Thuyết Âm Dương đề cập tới năm quy luật chính: Âm – dương thuộc tính, Âm – dương đối lập, Âm – dương là gốc của nhau, Âm – dương biến hóa và Âm – dương vận hành.
Năm nội dung cơ bản của thuyết Âm – dương là cơ sở triết lý của nhiều ngành khoa học.
Thuộc tính âm và dương
Tiêu chuẩn để phân biệt thuộc tính âm, dương trong sự vật và hiện tượng:
– Dương là sự biểu lộ của trời (càn – thiên) là nam, cha, vua chúa, bề trên, sang trọng (trời sang đất hèn) ban ngày, ánh sáng, sức nóng, năng lượng, sức mạnh mang tính dương, màu trắng, sự chuyển động mạnh mẽ, bằng phẳng, náo nhiệt, hưng phấn, v.v… Thuộc tính mạnh.
– Âm là sự biểu lộ của đất (khôn – địa), là nữ, mẹ, yếu, bóng tối, đêm, mặt trăng, mềm mại, thụ động, lạnh, tính trầm, màu đen, v.v… Thuộc tính yếu mềm.
Âm, dương là một hệ thống “nhị nguyên” mang những thuộc tính trái ngược nhau nhưng lại bổ trợ nhau.
Âm – dương đối lập
Mọi sự vật hiện tượng đều đồng thời tồn tại hai thuộc tính âm và dương đối lập nhau, tạo nên sự cân bằng, bổ trợ thúc đẩy sự hình thành,phát triển, đồng thời cũng tàng chứa sự mất cân bằng, giúp sự đối lập phát triển để đi tới sự phân tách – quá trình phân hủy.
Trong bát quái, âm và dương được biểu hiện bằng hai màu đối nghịch trắng – đen, giao nhau để nói lên sự hòa hợp, hỗ trợ, đồng thời phát sinh như quy luật sinh – diệt. Vì vậy, “Chu dịch càn tại đô” viết rằng “Càn, khôn là căn bản của âm dương, là tổ tông của vạn vật…”, quy luật âm – dương đối lập và thống nhất xuyên suốt trong tất cả các sự vật và biểu tượng. Không có sự vật, biểu tượng nào không mang hai thuộc tính âm – dương và tàng ẩn quy luật đối lập – thống nhất.
Âm dương trong bát quái
Sự hợp nhất âm dương để sinh và hủy. Trong sinh có hủy, trong hủy có sinh, cái nọ là gốc của cái kia, cái này là nguyên nhân của cái kia. Nó đồng thời tồn tại trong một thể đối lập – thống nhất.
Âm – dương là gốc của nhau
Như đã biết, âm dương trong vạn vật vừa đối lập lại vừa thống nhất, chúng dựa vào nhau để tồn tại, âm và dương luôn lợi dụng nhau để phát triển. Tác động qua lại đó là sự tồn tại, không có âm thì không có dương và ngược lại.
Trong hệ thống “nhị nguyên” có thể nói không có sự thuần dương hay thuần âm. Âm dương khi đứng riêng lẻ là quá trình hủy. Tuy nhiên, trạng thái này không tồn tại lâu mà tự nó sẽ thực hiện giai đoạn chuyển hóa
Âm – dương biến hóa
Âm – dương là hai thuộc tính khác biệt trong một thực thể, nhưng cả âm và dương đều có quy luật biến hóa.
Dưới những điều kiện nhất định, cái này sẽ chuyển hóa thành cái kia, nhưng dịch chuyển mà không biến mất thuộc tính riêng biệt. Chỉ khi âm và dương kết hợp thì mới thúc đẩy sự sinh thành và phát triển. “Hệ từ” viết: “… Âm – dương hợp đức thì cương nhu thành hình…”
Điều đó cho thấy, tuy đối lập nhưng âm và dương phải dựa vào nhau và hợp nhất bền vững cân bằng mới cùng tồn tại lâu dài được.
Âm và dương đều có quy luật biến hóa
Sự tách biệt tương đối để thiết lập sự thống nhất mới chỉ mang tính chất ý niệm để xét thuộc tính; còn trên thực tế, trong âm luôn tàng ẩn dương và ngược lại, trong dương vẫn có âm. Đó là sự chuyển hóa; thuần dương và thuần âm chỉ là khái niệm. Trong cha (dương) vẫn tàng âm mới thành hình người nam. Và trong mẹ (âm) vẫn tàng dương (cha, mẹ là thực thể), nếu không có hai thuộc tính đó thì không có thực thể. Không nên nhầm lẫn thuộc tính với thực thể, thực thể là một thể thống nhất có cả hai thuộc tính. Chỉ khi nào xuất hiện sự mất cân bằng âm dương trong thực thể thì mới bộc lộ rõ ràng đơn tính, khi đó sự chuyển hóa không còn nữa.
– Dương thịnh là do âm suy so với “mức cân bằng” hoặc do dương được tăng lên quá mức cân bằng bởi nguyên nhân nào đó. Như vậy, phải hiểu dương vượng xảy ra trong hai trường hợp: dương thực vượng do một lý do nào đó, điều kiện sung nạp nào đó làm cho dương tăng lên quá mức, phá vỡ thế cân bằng đã có. Trường hợp thứ hai là âm suy, không còn giữ được “mức cân bằng” cần thiết bởi một lý do, điều kiện nào đó, làm cho dương vượng – đó là giả vượng. Song, theo quy luật đối lập hợp nhất và quy luật chuyển hóa âm – dương, “mức cân bằng tương đối” sẽ được thiết lập lại. Hai quy luật này không xảy ra trong một thực thể thì sẽ là tiền đề của quá trình “hủy” để thiết lập một sự cân bằng mới trong một thực thể mới.
Cần phải hiểu quy luật chỉ mang tính chi phối và tất yếu chứ không phải là một yếu tố chi phối thực sự.
– Âm và dương là hai thuộc tính khác biệt nhau nhưng lại có thể chuyển hóa lẫn nhau. Âm cực sinh dương; dương cực sinh âm, “luôn luôn sinh” là “biến” và “chuyển”. Sự chuyển hóa lẫn nhau giữa âm và dương là quy luật phát triển tất yếu của sự vật. Như vậy, nếu mọi thứ đều tuân thủ theo quy luật cân bằng phát triển thì sẽ luôn tạo ra sự phát triển hài hòa, giúp tồn tại lâu bền. Nếu có sự lệch lạc, mất cân đối thì sẽ tạo ra sự không bền vững.
Âm – dương vận hành
Âm – dương vận hành nghĩa là âm – dương luôn ở thế động. Đó là một quy luật.
Âm – dương ở bất cứ thực thể nào cũng luôn vận động và như vậy, sự cân bằng trong thực thể là cân bằng động, thúc đẩy sự phát triển và là quy luật của sự phát triển. Thế cân bằng cũ bị phá vỡ theo quy luật vận hành âm – dương thì thế cân bằng mới được thiết lập ngay. Điều này phù hợp với quy luật biến hóa âm – dương. Nhờ không ngừng chuyển hóa mà vũ trụ và sự vật, hiện tượng luôn vận động và thay đổi. Sự sinh và hủy, thay thế nhau không ngừng diễn ra. Đó là sự vận động của âm- dương. Hết ngày lại đêm, hết sáng lại tối, nóng đi lạnh đến… vạn vật không ngừng chuyển đổi. Âm mạnh lên thì dương yếu đi và ngược lại, dương mạnh thì âm yếu, nhưng âm và dương tương hợp, đi đến thế cân bằng mới nhờ quy luật vận hành, giúp sự vật sinh trưởng và phát triển không ngừng.
Âm – dương luôn ở thế động
– Nếu âm dương không có quy luật vận hành thì mọi thực thể sẽ giữ nguyên trạng thái ban đầu, không có cái cũ và cái mới. Nhờ quy luật vận hành của âm dương, cái mới được sinh ra, thay thế cái cũ. Tốc độ phá vỡ cân bằng cũ tùy thuộc vào khả năng duy trì của thực thể, tuyệt đối không theo ý muốn áp đặt. Từ quy luật vận hành không ngừng của âm dương, không có gì có thể vĩnh cửu.
Tất cả các sự vật, hiện tượng cho đến con người, vũ trụ đều không nằm ngoài quy luật này của thuyết âm dương.